Đang Tải Dữ Liệu....

Tin Tức

Bán nhà ế bằng cách ...đổi tên dự án
21/01/2013 09:31
Chiết khấu “khủng”, tặng quà, cho gán nợ, thậm chí đổi cả tên dự án, là một số “chiêu” các sàn bất động sản đang “xúi” chủ đầu tư thực hiện nhằm giải phóng hàng tồn.

 
Chiết khấu “khủng”, tặng quà, cho gán nợ, thậm chí đổi cả tên dự án, là một số “chiêu” các sàn bất động sản đang “xúi” chủ đầu tư thực hiện ban-nha-e-bang-cach-doi-ten-du-an.jpg

nhằm giải phóng hàng tồn.

 

Thời gian đầu, những “chiêu trò” này giúp cho các sàn bán được một lượng hàng kha khá, tuy nhiên khách hàng sớm nhận ra “bình mới, rượu cũ” nên đang có

 dấu h

iệ

u tẩy chay chiêu trò này.

Chiêu "bình mới rượu cũ"

Nhà phân phối bất động sản "lắm chiêu" nhất hiện nay có lẽ là Đất Xanh Miền Bắc. Vụ bán 400 căn hộ Phúc Thịnh Tower của Đất Xanh Miền Bắc thực sự đáng để các công ty địa ốc "cắp sách" tới học.

Số là căn hộ được công bố "rẻ nhất phía Tây Bắc Hà Nội" này nằm trong khu đô thị Tân Tây Đô, thuộc địa phận huyện Đan Phượng. Trong giấy tờ pháp lý Phúc Thịnh Tower chính là tòa CT2A Tân Tây Đô, chủ đầu tư là công ty Hải Phát.

Cách đây hơn 2 năm, khi bất động sản còn sốt, các căn hộ tại dự án Tân Tây Đô được quảng bá rầm rộ và không ít nhà đầu cơ đã lao vào mua với giá từ 17 đến 20 triệu đồng/m2.

Khi cơn sốt bất động sản qua đi, khu vực này do quá xa trung tâm, hạ tầng chưa có nên nhanh chóng nguội lạnh và đông cứng. Khách hàng chót mua giá cao giờ ào ạt xả hàng cắt lỗ với mức giá chỉ 12 triệu đồng/m2. Nhưng ngay cả mức giá này, khách hàng cũng vẫn chê.

Trong bối cảnh đó, tòa CT2A của Hải Phát mặc dù đã lên tới tầng 20, vốn là "của để dành" vì có vị trí đẹp ( cạnh mặt đường 32) nhưng chủ đầu tư đã không bán được hàng. Trước nguy cơ không còn tiền để cất nóc tòa nhà, Hải Phát "tìm" tới Đất Xanh Miền Bắc.

Sau đó không lâu, thị trường bỗng rộ lên các thông tin quảng bá căn hộ chỉ từ 720 triệu có tên Phúc Thịnh Tower. Các gốc cây trong khu vực Mỹ Đình, Cầu Giấy, Trần Thái Tông tràn ngập các tấm băng rôn quảng cáo dự án này chỉ cách Mỹ Đình 10 phút chạy xe.

Tìm hiểu từ chính nhà phân phối Đất Xanh Miền Bắc mới hay Phúc Thịnh Tower chính là tòa CT2A Tân Tây Đô, được Đất Xanh Miền Bắc "đặt tên mới".

"Chiêu""bình mới rượu cũ" khá phát huy tác dụng, ngày mở bán (9/12/2012) có khoảng 400 người tới tham dự, trong đó khoảng 80 người có nhu cầu mua căn hộ.

Mới đây, đại diện Đất Xanh Miền Bắc cho biết: đợt ra hàng đầu tiên của dự án Chung cư Phúc Thịnh Tower đã hoàn thành và để lại dấu ấn tốt về một sản phẩm chung cư giá rẻ phía Tây Bắc Hà Nội. Kể từ ngày mở bán chính thức cho đến ngày 15/1/2013, 132 căn hộ thuộc dự án đã có chủ.

Chiêu "treo ngược cành cây"

Đi tiên phong trong phong trào bán bất động sản dưới gốc cây như bán..trà đá này cũng là Đất Xanh Miền Bắc. Nếu như hồi tháng 10, trước khi mở bán Phúc Thịnh Tower, các băng rôn treo dưới hàng loạt gốc cây, cột điện khu vực Mỹ Đình, Cầu Giấy còn là "sự lạ" thì những ngày cuối năm loại băng rôn này đã trở thành quen mắt với mọi người.

 

Bất động sản treo bán dưới các gốc cây là hiện tượng của thị trường bất động sản hiện nay.
Bất động sản treo bán dưới các gốc cây là hiện tượng của thị trường bất động sản hiện nay..

 

Hầu hết các băng rôn quảng bá dự án hiện nay đều xuất phát từ đội ngũ kinh doanh của Đất Xanh Miền Bắc và đều là các dự án mà đơn vị này đang phân phối như Mỹ Đình Plaza, Golden Land Buildings.

Thấy Đất Xanh bán hàng dưới gốc cây hiệu quả, một số sàn khác bèn học tập, dự án Westa mặt đường Nguyễn Trãi- Hà Đông gần đây cũng tràn xuống phố, nằm phất phơ trên những cành cây.

Treo trên cây chưa "đã", các sàn bất động sản còn "đua" khuyến mại. Ưu đãi lãi suất giờ đã không còn hấp dẫn khách hàng, phải là "tiền tươi, thóc thật". Vì vậy, các dự án công bố tặng từ Ipad, máy tính, điện thoại đến suất đỗ xe cả mấy trăm triệu đồng.

"Khủng" hơn, một số dự án còn tung chiêu cho mua nhà "nợ". Nghĩa là chỉ cần khách tới đăng ký, nộp một khoản tiền làm "ví dụ" sau đó thời gian nộp tiền tiếp theo được giãn "vô thời hạn". Tuy nhiên, đây thường là các dự án đang gặp sự cố ( trễ hạn tới vài năm), đang còn đào móng chưa biết tới khi nào mới "nhú" được phần thân.

Và sự thật sau những "chiêu trò"

Bày đủ chiêu nhưng tính thanh khoản các dự án không tốt như "người bày trò" mong đợi.

Trước khi mở bán Phúc Thịnh Tower, ông Vũ Cương Quyết, TGĐ Đất Xanh Miền Bắc tự tin nói với phóng viên rằng đến hết tháng 12 đơn vị ông sẽ bán ít nhất bán hơn 200 căn, qua hết tháng 1 là hơn 300 căn sau đó là bán nốt số còn lại mà Hải Phát đang giữ.

" Không có lý do gì không bán được, dự án này không bán được thì chẳng còn bán được ở đâu hết", ông Quyết "chắc như đinh đóng cột".

 

Công bố cất nóc tháng 1/2013 nhưng mãi tới quý 4/2014 mới giao nhà khiến khách hàng nghi ngờ dự án Phúc Thịnh Tower
Công bố cất nóc tháng 1/2013 nhưng mãi tới quý 4/2014 mới giao nhà khiến khách hàng nghi ngờ dự án Phúc Thịnh Tower.

 

Thực tế thì đến giữa tháng 1/2013, Phúc Thịnh Tower chỉ bán được 132 căn và mới đây Đất Xanh Miền Bắc lại công bố mở bán lần 2 với ưu đãi hấp dẫn là chiết khấu 2% cho khách hàng.

Các dự án khác cũng chẳng khá hơn là bao, lượng căn hộ còn dư sau khi "treo cành cây" đủ để các sàn bán hết năm 2013 đến 2014 cũng còn chưa hết.

Vì sao được "đầu tư" quảng bá hấp dẫn với nhiều "chiêu trò" lạ mắt, lạ tai, chưa từng có trên thị trường bất động sản, kèm vô số khuyến mại và hứa hẹn về chất lượng, tiến độ, các dự án này vẫn không đạt tính thanh khoản cao?

Bỏ qua yếu tố về giá bởi giá ở các dự án nói trên quả đã xuống ở mức sàn, khảo sát cho thấy, những dự án này khó thanh khoản phần lớn đều do vị trí không đắc địa.

Đơn cử như Phúc Thịnh Tower, quảng cáo là 10 phút chạy xe từ Mỹ Đình nhưng thực tế nếu chạy được 10 phút lên tới nơi chắc chắn sẽ bị cảnh sát phạt bởi chạy quá tốc độ.

Thực tế để chạy xe từ Mỹ Đình tới địa điểm dự án, tối thiểu phải mất từ 25 đến 30 phút. Tính về số km thì từ Phúc Thịnh về trung tâm thành phố là tròm trèm 30 km.

Bên cạnh đó là tiến độ của các dự án. Lúc mở bán, Phúc Thịnh Tower đã xây đến tầng 21( dự án 25 tầng), đến cuối tháng 1/2013 dự án chính thức cất nóc song tới tận quý I/2014 khách hàng mới được nhận nhà.

Độ "giãn" này khiến cho khách hàng nghi ngờ tiền của mình sẽ không "chảy" vào dự án này mà sẽ "đổ" vào dự án khác.

Nhất là hiện nay Hải Phát đang "được tiếng" là chủ đầu tư "tiến độ rùa" tại dự án The Pride (Văn Phú- Hà Đông). Dự án này lẽ ra phải giao nhà cho khách từ đầu năm 2012 nhưng tới nay khách hàng vẫn còn 'dài cổ đợi nhà hoàn thiện".

“Chung cư có 25 tầng mà mất hơn 1 năm để hoàn công, không biết có tin được không? Có lẽ nên chờ khi nào xây xong thì tôi sẽ mua. Tốn tiền hơn một chút nhưng sẽ yên tâm”, chị Tuyết Mai ở Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ.

Ở góc độ khác, anh Nguyễn Mạnh Thắng ở Xuân Đỉnh- Từ Liêm cho biết anh từng biết dự án này từ trước, khi được rao bán với tên cũ CT2A, khi ấy diện tích các căn hộ lớn hơn hiện tại.

"Tôi ngạc nhiên vì thấy dự án này giờ chia nhỏ diện tích. Việc chia nhỏ này liệu có ảnh hưởng gì tới quy hoạch, thiết kế, công năng của dự án được phê duyệt từ ban đầu", anh Thắng nghi ngại.

Nói về câu chuyện chia nhỏ diện tích này, ông Vũ Cương Quyết lại cho rằng đây chính là điểm "hấp dẫn" bởi các căn hộ này "đánh" vào phân khúc giá rẻ, dành cho các cặp vợ chồng trẻ mới lập nghiệp ở thủ đô. "Nếu chia được nhỏ ở mức 30 m2 thì còn dễ bán hơn nhiều", ông Quyết cho biết.

Việc đánh giá khách hàng tiềm năng cho dự án này về lý thuyết không sai vì với vị trí cách xa trung tâm, mức giá 13-14 triệu đồng/ m2, một cặp vợ chồng trẻ có thể tính toán tới việc mua được các căn hộ này thay vì phải thuê nhà với chi phí hàng triệu đồng/ tháng.

Tuy nhiên, hạ tầng khu vực này hiện nay chưa có ( trường học, mẫu giáo, bệnh viện, siêu thị...) do vậy, nó thật khó để cho các cặp vợ chồng trẻ ( có con nhỏ) có thể ở được. Phương án chở con hàng chục km vào trung tâm học hành, đi nhà trẻ là phương án "bất khả thi".

Chiết khấu, giảm giá hay "đánh bóng" dự án thể hiện cách bán hàng thông minh, năng động, sáng tạo của các sàn bất động sản và chủ đầu tư trong bối cảnh thị trường trầm lắng tuy nhiên nếu không thực chất, các "chiêu trò" sẽ chỉ có tác dụng ngược.

Khách hàng rất nên cẩn thận với những "mồi câu" kiểu "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô" kẻo sa lầy vào những dự án "hối không kịp".

 

Theo Anh Phương
PLVN