Đang Tải Dữ Liệu....

Tin Tức

Giá nhà đất càng rẻ, chung cư mini càng ế nặng
28/01/2013 08:53
Sau một thời gian "làm mưa làm gió" trên thị trường thời BĐS "sốt nóng", giờ đây phân khúc chung cư mini đang dần đi vào "chỗ chết".

 

Sau một thời gian "làm mưa làm gió" trên thị trường thời BĐS "sốt nóng", giờ đây phân khúc chung cư mini đang dần đi vào "chỗ chết".gia-nha-dat-cang-re-chung-cu-mini-cang-e-nang.png

Thời gian gần đây, khi giá nhà đất liên tục hạ tại Hà Nội thì cũng là thời điểm khách hàng "quay lưng" lại với phân khúc chung cư mini vốn nhiều rủi ro.

Chung cư mini "khóc ròng"


Bắt đầu xuất hiện trên thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội từ những năm 2005 – 2006, nhưng phải đến năm 2007, chung cư mini mới thực sự phổ biến và được mọi người nhắc tới như là một loại hình nhà ở hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tế của khác hàng. Thậm chí, năm 2008, 2009, chung cư mini đã tạo nên “cơn sốt” chưa từng thấy trên thị trường BĐS Hà Nội.

Đến 1/7/2010, trước một loạt ý kiến của giới chuyên gia và đặc biệt là những yêu cầu từ thực tế của thị trường BĐS, Nghị định 71 ra đời đã chính thức công nhận tính pháp lý của loại hình nhà ở này. Kể từ đó đến nay, ngay cả trong lúc thị trường BĐS lâm vào cảnh khó khăn, ế ẩm như năm 2011, chung cư mini vẫn phát triển, vẫn tiêu thụ được hàng và tại nhiều thời điểm, nó còn tạo ra những “cơn sốt” nhẹ, hâm nóng thị trường vốn đang đóng bằng.

Chính vì những lẽ trên, cuối năm 2011, khi hầu hết các dự án chung cư thương mại phải thi công cầm chừng, thậm chí là dừng hẳn, thị trường BĐS Hà Nội vẫn thấy một loạt các dự án chung cư mini khởi công, chào bán.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá nhà chung cư mini đã giảm khá mạnh. Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay giá chung cư trên địa bàn Hà Nội đã giảm khoảng 20-30% so với thời điểm sốt nóng. Giá chung cư mini tại các quận trung tâm như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa... còn khoảng 15-20 triệu đồng/m2, tại các quận ngoại thành như Từ Liêm, Gia Lâm giá căn hộ chung cư mini đã về 8-10 triệu đồng/m2.

Anh Khanh, chủ chung cư mini khu vực Hoàng Mai cho biết năm qua việc mua bán căn hộ mini hết sức trầm lắng: "Tòa chung cư của tôi 7 tầng có 14 căn, tuy nhiên từ đầu năm 2011 đến nay mới chỉ bán được 6 căn theo hình thức trả góp. Thị trường quá ế ẩm, tôi đang tính 8 căn còn lại sẽ chuyển sang cho thuê để vớt vát chút tiền trả lãi ngân hàng."

Chị Nguyệt Anh, một nhân viên môi giới nhà đất khu vực Cầu Giấy cho biết, hiện công ty đang rao bán khoảng hơn 26 căn chung cư mini thuộc các quận Cầu Giấy, Đống Đa. Nếu trước đây, chỉ cần rao bán là khách hàng ồ ạt đến sẵn sàng đạt tiền ngay thì hiện nay số lượng người đến hỏi thăm loại hình này rất ít, chưa nói đến giao dịch thành công.

Khách hàng quay lưng


Nguyên nhân chính khiến người mua "ghẻ lạnh" với phân khúc chung cư mini là do giá trị nhà chung cư thương mại hiện đã giảm mạnh cộng với việc Bộ Xây dựng cho phép các dự án được “bổ đôi” diện tích căn hộ để phù hợp với nhu cầu thị trường đã khiến giá thành chung cư trên thị trường giảm đáng kể.

Theo ý kiến của đại bộ phận khách hàng, các chung cư thương mại hiện giá cũng rất rẻ, giấy tờ pháp lý đầy đủ, hạ tầng công cộng, không gian sống và các tiện ích đi kèm tốt hơn. Vì vậy, không ai dại gì đem tiền tỷ mua chung cư mini. Chưa kể, trong sử dụng và quản lý chung cư 
mini có nhiều bất cập, hầu hết các khu chung cư mini "mạnh ai người ấy sống", chủ nhà bán xong căn hộ coi như hết trách nhiệm...Vì vậy, vấn đề an ninh, vệ sinh và an toàn cháy nổ của các khu chung cư mini trở thành rào cản lớn khi khách hàng chịn hình thức này.

Thêm vào đó, do thời kỳ đầu chủ đầu tư xây dựng loại hình này là tự phát, không xin giấy phép xây dựng nhà ở kinh doanh, xây vượt tầng, không có thiết kế được thẩm định theo tiêu chuẩn…nên nhiều chung cư không đủ điều kiện được cấp sổ đỏ. Trong lúc, nhà chung cư thương mại đang giảm giá mạnh thì không ai dại gì đem cả tỷ đồng mua một căn hộ chung cư mini không đủ giấy tờ pháp lý.

Ông Lê Văn Bình, giám đốc một công ty xây dựng cho biết: "Chủ đầu tư các dự án chung cư mini là các công ty xây dựng vừa và nhỏ hoặc là hộ gia đình nên sức ép về vốn là rất lớn. Nếu sản phẩm rơi vào tình trạng "ế ẩm" lâu ngày sẽ xảy ra nguy cơ phá sản, vỡ nợ hàng loạt".

Thanh Ngà